Đôi đũa Nhật

Japanese chopsticks

Lại hết đũa sạch....trong khi máy rửa chén vẫn chưa đầy chén bát bẩn để chạy luôn một lần (cho khỏi tốn nước và điện :). Nhà chỉ có 2 người và 4 đôi đũa đẹp, còn lại là đũa gỗ dùng một lần. Trong 4 đôi đũa đẹp, có 2 đôi thường xuyên làm việc: đôi sơn mài màu đen bóng láng cho chàng, cũng cùng chất liệu nhưng màu đỏ cho nàng, còn lại để dùng cho khách đến. Lại nữa, chàng và nàng chỉ muốn dùng đôi đũa của mình. Chuyện là thế!

Japanese chopsticks

(Bọc giấy trang trí đũa dùng một lần, dành cho khách)
Tôi vẫn còn nhớ tuần homestay ở nhà bố mẹ đỡ đầu thời gian mới đến Nhật. Chỉ một tuần ngắn ngủi nhưng đó là một tuần thật ý nghĩa, tiếp xúc với rất nhiều cái hay- điều mới mà nó ảnh hưởng tôi rất nhiều sau đó, trong suốt thời gian ở Nhật và hơn nữa, trong số đó có cái như đã là tập quán. Đũa ai nấy dùng là một trong những tập quán đó.
Hôm đầu tiên, khi mẹ chuẩn bị cho bữa ăn trong bếp, vì không quen với việc được người khác hầu hạ, tôi đứng ngồi không yên loi choi đi ra đi vào hỏi xin phụ giúp mặc dù chỉ toàn bị từ chối. Nhưng ít nhất thì tôi cũng có thể sắp xếp được đũa cho mỗi phần ăn khi thấy một cái cốc đựng đũa. Và điều thú vị bất ngờ khám phá đầu tiên tron bếp gia đình Nhật đó là không có đôi đũa nào giống đôi đũa nào. Tôi ngỡ ngàng và tò mò thích thú, vừa mân mê vừa ngắm nghía các loại kiểu dáng và màu sắc khác nhau của các đôi đũa, vừa bôí rối vì nghĩ là nó có hàm ý gì đó?
Nó khác với cái đồ gác đũa của gia đình tôi ở Việt Nam mà trong đó chứa ít nhất là hơn mười đôi cho dù nhà chỉ có 6 người. Lớn lên, mỗi người mỗi nơi, nhà ít người đi nhưng hộp đũa vẫn không vơi đi. Điểm nữa đó là đôi đũa nào cũng giống nhau, cũng là cái màu đen mốc mốc bạc bạc của loại gỗ mun dùng lâu ngày. Có thể là loại gỗ mun không tốt nên mới có màu mốc mốc như vậy chăng? Và nếu nhìn chung thật khó có thể phân biệt được chiếc này không phải là cùng cặp với chiếc kia, chỉ khi so đũa trên mặt bàn phẳng thì mới tìm ra được chiếc ngắn dài, chiếc cong vẹo hay thẳng tắp. Có như vậy mới có công việc so đũa, công việc cho bé bước đầu có thể phụ mẹ dọn bữa ăn hằng ngày mà tôi nghĩ rằng hầu hết nhà ai cũng phải làm mỗi ngày.
Với cái cốc đựng đũa của mẹ đỡ đầu, tôi có thể thấy ngay chiếc đũa này là đi cặp vơí chiếc đũa kia để rồi nắm trúng phốc 1 đôi đũa ra ngay khi chúng nằm trong cốc mà không cần nắm hết cả bó đũa ra để so sánh tìm cặp cho chúng. Còn đâu việc tôi có thể phụ giúp?
Có vẻ mẹ đỡ đầu hiểu vấn đề khi thấy tôi đang chần chừ trước cốc đựng đũa, bà dịu dàng vừa giải thích vừa chỉ ra đôi đũa to thô chất liệu gỗ tự nhiên là của bố, đôi đũa nhỏ thanh này là của mẹ, đôi đũa thanh, màu này là của chị gái, và đôi đũa màu này là của tôi. Một niềm vui và cảm giác ấm áp len lỏi vào làm ấm hơn bao nhiêu so với những lớp áo ấm choàng trên người do không quen với cái rét của mùa xuân xứ lạnh. Vì từ hôm đó lần đầu tiên tôi có đôi đũa riêng dùng trong mỗi bữa ăn, cho dù chỉ là trong 1 tuần homestay, nhưng hơn nữa tôi cảm nhận mình được đón nhận vào gia đình khi trong cốc đũa ít ỏi của gia đình mà đôi đũa nào cũng có chủ nhân của nó lại có một đôi có tên là "đũa của tôi".
Sau 1 tuần homestay, khi ra ở ký túc xá và mua sắm dụng cụ sinh hoạt cho bản thân, tôi đã chọn mua cho mình một đôi đũa để rồi nó gắn bó với tôi mãi cho đến khi không thể dùng được nữa mới đành phải chia tay để mua một đôi đũa khác thay thế. Nếu có dịp đi mua sắm ở Nhật, bạn sẽ nhận thấy rằng hầu như ở đâu cũng bán đũa riêng lẻ từng đôi một nếu so với ở Việt Nam, đũa bao giờ cũng được gói thành từng chục.
Về đôi đũa đang dùng bây giờ ư? Càng có lý do để gắn bó với nó hơn khi đó là quà cưới của chàng và nàng. Rồi một ngày nào đó, hai đôi đũa sẽ mòn và cũ kỹ đi nhưng chàng và nàng vẫn không thể bỏ đi vì nó là kỷ niệm mốc thời gian gắn bó chàng và nàng như 2 chiếc đũa phải cặp với nhau thì mới có hiệu dụng.
*********************************************
Những bài viết trên "nồi niêu" dùng giấy phép của Creative Commons Attribution-Noncommercial 3.0 License. Nghĩa là có thể sử dụng những nội dung và hình ảnh trong "nồi niêu" ngoài mục đích kinh doanh. Nghiêm cấm dùng cho mục đích tư lợi mà không được sự cho phép của tác giả.
Bất cứ trích dẫn nào lấy từ "nồi niêu" phải được ghi xuất xứ và phải nối đường link trở lại với ngọn nguồn của nó. Vui lòng đừng
sao chép.
*****************************************

1 nhận xét:

vyvynguyen nói...

Thanks chị, bài này hay quá. Nhờ vậy mà em biết được tập quá của gia đình Nhật nhỉ? Em thích văn hóa của Nhật lắm, không biết thích từ khi nào, em thích núi Phú Sĩ, thích hoa anh đào, thích rừng thông, thích phong cảnh đồng quê ở Nhật, thích những bộ Kimono, thủ công ráp vải, thêu,... em biết về văn hóa ẩm thực (chỉ một chút xíu thôi) qua truyện tranh (vua đầu bếp) và những truyện tranh khác tràn lan trên thị trường, cho đến giờ em vẫn thích đọc truyện tranh ^^
Em đã từng tự học tiếng Nhật liên tục trong vòng một tháng (vì không có tiền đi học ở ngoài, chỉ mua sách vở lòng về học thôi) đế khi học xong quyển vỡ lòng, chuyển sang chữ Kanji thì không thể học được nữa, vì không có ai hướng dẫn, cũng chẳng biết cách học thế nào... tiếc quá chừng. Xong rồi thì đành gác mộng biết Văn Hóa Nhật Bản luôn. Bi giờ, em chỉ có thể gắn bó với Nhật qua ..sushi thôi. Cứ mỗi đầu tháng lãnh lương là chạy ra sushi bar ăn một bữa cho căng bụng (chỉ ăn sushi và soup miso thôi) sushi đắt quá mà, nếu lương khá khá, dám ngày nào em cũng ăn sushi lắm á.

Đăng nhận xét